Trường học hay được ví như một xã hội thu nhỏ vì ở đó mọi người tương tác với nhau và hình thành những quy tắc, “phong tục" riêng. Ở Việt Nam, kỉ niệm đi học ngoài việc học thì còn có những giờ ra chơi dưới sân trường, biểu diễn văn nghệ với lớp, tham gia câu lạc bộ hoặc đi chơi với trường. Thế nhưng sang Phần Lan thì trải nghiệm đi học khác hẳn. Ngoài việc phải hòa nhập với văn hoá của Phần Lan thì mình còn phải làm quen với văn hoá đi học bên này. Sau gần 2 năm ở 2 ngôi trường cấp 3 khác nhau, mình đã nhận ra được một vài điểm khác biệt chính giữa trường học Phần Lan và Việt Nam mà mình sẽ chia sẻ trong post này.
Mình nhớ hồi ở Việt Nam đi học có rất nhiều nỗi sợ: sợ bị giám thị bắt không bỏ áo vào quần, sợ đi trễ chú bảo vệ đóng cửa, sợ giáo viên cho bài kiểm tra đột xuất, sợ vô sổ đầu bài,...Nói chung là trường học ở Việt Nam có nhiều nội quy nên học sinh phải luôn tác phong nghiêm chỉnh và thái độ học tập nghiêm túc. Không trang điểm, không nhuộm tóc, không mang xăng đan, không chửi thề. Nếu làm sai thì sẽ viết bản kiểm điểm và có thể còn hạ hạnh kiểm. Giờ nghĩ lại thấy ngày xưa đi học gò bó ghê. Ít ra thì ở trường mình là như vậy. Mặc dù mình không thuộc dạng học sinh cá biệt nhưng thấy giám thị là mình sẽ tránh vì cảm giác kiểu gì họ cũng sẽ tìm ra một chỗ chưa ưng trên người mình.
Ở Phần Lan, trường học chẳng có một nội quy nào. Tất nhiên là vẫn có các quy tắc ngầm như giữ trật tự trong hành lang hay không gian lận, thế nhưng lại không có ai đi kiểm tra và phạt các bạn không thực hiện. Trường IB thì lại gắt hơn một xíu, nhưng cũng chỉ ở mức không được nghỉ học không phép. Đi học mà phải sợ đủ điều thì đâu ai muốn đi học. Khác với Việt Nam, ở Phần Lan không có đồng phục và học sinh muốn tới trường mặc gì cũng được. Các bạn gái đi học gắn cặp mi giả như hai con sâu róm là chuyện bình thường. Lúc đầu mình không thích việc không có đồng phục cho lắm vì khi mặc đồng phục thì học sinh sẽ bình đẳng hơn, còn khi tự chọn đồ thì sẽ có đứa ăn mặc không được thời trang cho lắm còn có đứa sẽ rất lồng lộn. Nhưng giờ thì mình đã quen với việc không có nội quy ở trường. Nó tạo cơ hội để mọi người được thoải mái thể hiện bản thân. Trong năm học sẽ có một vài ngày lễ hoá trang mà học sinh còn mặc cả đồ ngủ đi học :)
Ở Việt Nam, giáo viên là người có quyền lực cao nhất trong lớp. Điều đó có thể thấy từ việc bục giảng của giáo viên luôn được xây cao hơn chỗ ngồi của học sinh hay việc học sinh muốn phát biểu thì phải đứng dậy “dạ thưa”. Nhiều câu ca dao, tục ngữ, hay bài hát cũng ca ngợi về công lao của người thầy.
Ở Phần Lan thì giáo viên ngồi ngang hàng với học sinh. Nhìn chung, học sinh ở Phần Lan không phải tuân thủ các phép tắc như ở Việt Nam, chẳng hạn như việc phải cúi chào khi gặp giáo viên trên hành lang. Hồi mới qua mình chưa quen nên cũng hay đứng dậy khi phát biểu nhưng thấy chẳng ai đứng nên cũng hơi quê. Năm ngoái, thầy giáo Tiếng Anh còn hỏi tụi mình có phải ở Việt Nam học sinh phải dùng 2 tay để nhận đồ từ người lớn không vì học sinh Phần Lan không được dạy làm vậy nên thầy hơi bất ngờ khi đám châu Á khi nào cũng lấy đồ bằng 2 tay.
Khác với việc ở Việt Nam giáo viên được tôn, ở Phần Lan học sinh lại được tôn trọng hơn. Ngoài được tôn trọng tính cá nhân trong việc không mặc đồng phục thì còn được tôn trọng sự tự do. Năm ngoái làm ở nhà trẻ, mình thấy giáo viên chẳng đút học sinh nào ăn, dù có bé chỉ mới 1-2 tuổi và cầm muỗng còn chưa thạo (mình định tới giúp mà cô cũng bảo không cần). Bạn nào muốn ăn bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu và ăn không hết thì đem đi bỏ. Ký ức đi nhà trẻ của mình toàn bị cô ép ăn lên ăn xuống và nhiều bạn còn phải có cô đút thì mới ăn.
Ngoài ra, học sinh Phần Lan còn được tôn trọng sự riêng tư. Học ở Phần Lan mình chưa bao giờ thấy việc học sinh bị giáo viên phạt hay chửi trước lớp. Có gì thì giáo viên sẽ hẹn để gặp riêng. Điểm kiểm tra cũng sẽ gửi cho từng bạn chứ không bao giờ công khai cho cả lớp. Nhớ hồi ở Việt Nam mỗi lần thi cuối kì xong là giáo viên sẽ đọc điểm từng bạn để mọi người tự ghi xuống, nên đứa nào học dở, đứa nào học giỏi là cả lớp đều biết hết. Mình thấy làm vậy ngoài việc đang vi phạm quyền riêng tư của học sinh thì còn có thể làm học sinh xấu hổ, áp lực đồng trang lứa không đáng có khi điểm đợt này chưa được cao. Vậy nên, mình nghĩ trường học ở Việt Nam nên tôn trọng học sinh nhiều hơn để học sinh có thêm không gian để quyết định và phát triển thay vì chỉ là những đứa trẻ biết vâng lời.
Trường ở Phần Lan có nhiều cái hay mà Việt Nam có thể học hỏi, nhưng lại có một điều mà mình rất nhớ ở Việt Nam đó là sự cạnh tranh. Nếu bạn theo dõi mình từ lâu thì chắc đã từng nghe mình than về việc đi học ở Phần Lan rất chán và học sinh thì chẳng lo học. Bạn mình gần đây có nói “Finland is the culture of moderations", tạm hiểu là Phần Lan là văn hoá của sự tàng tàng, không chuộng sự xuất sắc. Mình khá bất ngờ vì tưởng chỉ có mình từ Việt Nam mới nghĩ như vậy, nhưng thì ra cũng có người Phần không thích cái tính không cạnh tranh của Phần Lan. Tỉ lệ người trẻ Phần Lan hoàn thành bậc đại học hiện nay đang ở mức thấp báo động khiến nhiều nhà lãnh đạo mong muốn tăng cường đầu tư và cải cách giáo dục (báo tiếng Phần ở đây)
Ở Việt Nam thì học hành căng thẳng, cạnh tranh khốc liệt là quen rồi. Học sinh được đòi hỏi phải xuất sắc. Điều này ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ tâm lý của học sinh, nhưng mình nghĩ cũng tạo nên nhiều bạn xuất chúng và đạt các thành tích cao, sau này phát triển nền kinh tế đất nước. Một chút cạnh tranh thì cũng tốt vì nó là động lực giúp học sinh học tập và phấn đấu. Hồi học cấp 2, mình có dự án hay cuộc thi gì thì chỉ cần rủ các bạn trong lớp hay trong trường cùng tham gia. Ở Phần Lan, chẳng đứa nào quan tâm. Giờ mình học IB là đã đỡ hơn rất nhiều, chứ năm ngoái ở Forssa là bất lực luôn. Ngoài việc chơi thể thao thì các bạn học sinh chẳng biết đến định nghĩa hoạt động ngoại khoá là gì. Chắc có lẽ tuỳ người cảm nhận là sự thiếu cạnh tranh ở trường Phần Lan là tốt hay xấu. Theo mình thì nếu học sinh nào cũng thoả mãn với số điểm trung bình, tốt nghiệp xong thì kiếm một công việc lương vừa đủ thì lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế Phần Lan vì thiếu hụt nhân lực có chuyên môn cao.
Văn hoá trường học ở Phần Lan thật sự rất khác so với những gì mình tưởng tượng ở Việt Nam. Nếu để nói nền giáo dục nào tốt hơn thì chắc mình chưa đủ kiến thức để quyết định, nhưng mình thấy ở Phần Lan có nhiều cái hay và cơ hội mà ở Việt Nam mình không có được. Phần Lan cho mình sự tự do, nhưng lại thiếu một môi trường học cạnh tranh và những người bạn cùng lớp xuất sắc. Tới thời điểm hiện tại, mình vẫn không thể nói được là ở Việt Nam mình đã sẽ tốt hơn hay Phần Lan là một lựa chọn hoàn toàn đúng đắn. Quan trọng nhất vẫn là bản thân bạn đã chuẩn bị như thế nào, cố gắng và tận dụng những gì Phần Lan có ra sao để quyết định sự thành công của bạn.
Comentarii