top of page
Tìm kiếm

Điểm 10 ở Phần Lan

Mọi người hay bảo ở Phần Lan học ít, mình thấy không hề ít đâu. Đúng là ở Việt Nam ngày học dài hơn và nhiều môn có kiến thức khó hơn, chẳng hạn như toán lý hoá. Nhưng ở Việt Nam có sự phát minh vĩ đại của đề cương! Tới mùa thi, các môn chính thì phải học nhiều chứ các môn phụ chỉ cần học thuộc 2 trang giấy, thầy cô cũng phát rất nhiều bài tập làm thêm và giải thích cặn kẽ. Ở Phần Lan, cứ mỗi 2 tháng sẽ có 1 kì thi và học sinh phải học toàn bộ nội dung của cuốn sách trong kì đó. Hoàn toàn không có đề cương tóm tắt hay một bài ôn tập nào. 


10 năm đi học ở Việt Nam đã rèn luyện cho mình kỹ năng ghi nhớ tuyệt đỉnh khiến mình có thể sao chép y chang tờ đề cương vào bài thi. Kì thi đầu tiên ở Phần Lan, đứng trước mấy trăm trang sách trong thứ tiếng nước ngoài xa lạ, mình không biết phải học kiểu gì cho hết. Mình lấy ví dụ môn lịch sử là môn chỉ cần ghi nhớ các gạch đầu dòng ở Việt Nam. Thi ở Phần Lan mình phải viết mấy bài essay liền về các sự kiện lịch sử dựa trên đoạn tài liệu hoặc bức tranh mà thầy cho trong đề. Nếu đa số các phương pháp học ở Việt Nam không thể áp dụng ở Phần Lan, vậy làm sao học tốt? Trong post này mình sẽ chia sẻ những tips và kỹ năng mình nghĩ sẽ giúp bạn thành công khi học tập ở Phần Lan hoặc nước ngoài nói chung.




Làm thân với giáo viên

Ý mình không phải cứ làm thân với giáo viên thì họ sẽ nương và cho bạn điểm cao, nhưng trùng hợp thay là những môn nào có giáo viên mình hay nói chuyện thì lại điểm cao. Giáo viên có thể không nương tay với bạn trong bài kiểm tra, nhưng họ sẽ có thiện cảm với bạn hơn, cổ vũ tinh thần học tập của bạn và sẵn sàng hỗ trợ cả những việc ngoài trường học. Năm ngoái mình thân với thầy môn hoá, kiểu gì lại thành học sinh xuất sắc môn Hoá của khối cuối năm. Năm nay mình thân với thầy môn kinh tế, thầy đã giúp đỡ mình rất nhiều với việc viết blog và còn hay quan tâm tình hình học tập, sinh sống của mình. Thay vì cố gắng kết bạn với những thành phần lông bông không lo học, sao không thử kết bạn với giáo viên, người sẵn sàng mở rộng vòng tay giúp đỡ bạn? 


Trong lớp chắc chắn có nhiều học sinh chỉ dán mặt vào laptop, giáo viên thấy nhưng chỉ là họ biết nói cũng chẳng thay đổi được gì. Vì vậy, bạn sẽ trở thành người đặc biệt trong lòng giáo viên khi cặp mắt của bạn dán thẳng vào bảng và mặt họ. Ngoài ra, cuối tiết học, hãy nán lại lớp để hỏi thêm về bài tập về nhà hay về cuộc sống, chuyện đi học ngày xưa của họ. Đó là những gì mình đã áp dụng và thành công.


Critical thinking (Tư duy phản biện)

Tư duy phản biện không chỉ là một kỹ năng, nó là một bộ các kỹ năng bao gồm việc quan sát vấn đề, đặt câu hỏi, đưa ra đánh giá và giải quyết vấn đề. Để viết một bài luận lịch sử hay, ngoài nắm bắt các thông tin lịch sử, bạn còn phải xâu chuỗi các thông tin đó lại với nhau và dùng nó để trả lời đề bài một cách hiệu quả. Học sinh Phần Lan đã được làm quen với tư duy này từ nhỏ, các bạn Việt Nam mới qua có thể sẽ chật vật. Để rèn luyện tư duy phản biện, bạn có thể bắt đầu bằng việc đặt các câu hỏi “Vì sao?”, “Thế nào?”, “Thì sao?” cho những gì bạn được dạy, nghe và thấy hằng ngày. Điều đó giúp bạn hình thành thói quen chủ động xử lý các thông tin thay vì chỉ gật gừ tiếp nhận chúng. Chị Chi Nguyễn có một video rất hay về rèn luyện tư duy phản biện:



Viết essay

Học cấp 3 Phần Lan chắc chắn bạn sẽ phải viết essay, còn nếu học chương trình tiếng Anh thì bạn sẽ phải viết rất nhiều essay! Sử, tâm lý, kinh tế, đến cả toán mình còn phải viết essay mấy ngàn chữ. Ở Việt Nam, Văn là môn duy nhất mà mình phải viết bài luận hoàn chỉnh mà thầy cô còn toàn dạy học vẹt. Qua Phần Lan, mình phải tự tìm tòi cách viết essay từ con số 0. 


Trong bài thi, viết hay không quan trọng bằng viết đúng và thuyết phục. Một phương pháp phổ biến dùng để triển khai ý trong một đoạn văn đó là P.E.A.L.: Point, Evidence, Explain, Link (Luận điểm, dẫn chứng, giải thích, liên kết với chủ đề chính). Bạn có thể có rất nhiều ý, nhưng viết lan mai dài dòng chắc chắn không cho bạn nhiều điểm bằng việc viết có cấu trúc chặt chẽ. Kỹ năng viết không chỉ để sử dụng trong bài thi cấp 3, nó sẽ theo bạn lên đại học và cả lúc đi làm. Để rèn luyện khả năng viết essay, bạn có thể search Youtube từ khoá “viết academic writing" hoặc tham gia các khoá học miễn phí trên Coursera về cách viết thuyết phục.



Active recall (Chủ động ghi nhớ)

Thường khi học thuộc, các bạn học sinh sẽ đọc đi đọc lại tài liệu, bạn nào siêng hơn thì sẽ soạn notes hoặc chép lại bài giảng của giáo viên rồi trang trí, highlight đủ màu sắc. Cách học này nhìn rất đẹp, nhưng KHÔNG HIỆU QUẢ. Để ghi nhớ tốt hơn, bạn cần giúp bộ não quen với việc phải tự tìm kiếm các mảnh thông tin từ trí nhớ. Học vẹt đề cương ở Việt Nam có thể không cần phương pháp này, nhưng khi phải học 200 trang sách hay 200 slides thì câu chuyện lại khác. 


Active recall có thể được thực hiện như sau: (1) bạn đọc qua toàn bộ tài liệu cần ghi nhớ 2-3 lần, (2) bạn ghi xuống tờ giấy trắng tất cả những gì bạn đã nhớ, chưa cần chính xác, (3) bạn check lại với tài liệu xem sai chỗ nào, còn thiếu chỗ nào và (4) lặp lại đến khi bàn có thể recall đầy đủ các nội dung trong tài liệu. Active recall đôi lúc làm mình khó chịu vì mỗi lần không nhớ gì chỉ muốn mở sách liền ra coi, nhưng khi ở nhà là lúc bạn còn có thể sai nên hãy kiên định và tin tưởng vào quá trình.


4 Comments


Guest
Aug 22

Cảm ơn bài chia sẻ của con!

Like

Guest
May 15

Bài viết của LyNa rất hay giúp ích nhiều học sinh nhìn nhận ra tư duy rèn luyện trong việc học tập của mình

Like

Guest
May 15

Bài viết rất hay, rất thực tế

Like

Guest
May 14

Kể ra học ở Phần Lan đòi hỏi nhiều kỷ năng hơn nhiều ha

Like
bottom of page